CÁC VĂN KIỆN TRUYỀN THÔNG



CÁC VĂN KIỆN VỀ TRUYỀN THÔNG CỦA HỘI THÁNH

Năm 1936, văn kiện Vigilanti Cura của Đức Giáo hoàng Piô XI về phim ảnh đã mở ra một chuỗi những văn kiện tích cực của Hội Thánh về truyền thông xã hội.

Sau đó, năm 1957, có văn kiện Miranda Prorsus của Đức Piô XII về các phương tiện điện tử, kể thêm truyền thanh và truyền hình vào với phim ảnh. Văn kiện rất sâu sắc này đã trở thành nguồn gợi hứng cho Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội của Công đồng Vatican II.

Văn kiện Inter Mirifica (1963) của Công đồng Vatican II trước tiên được đưa ra cho các Nghị phụ Công đồng xem xét và đã được cắt ngắn từ 144 đoạn xuống chỉ còn 24 đoạn để chỉ giữ lại các điểm cơ bản, nhưng với một đòi hỏi rõ ràng (IM 23) là: Uỷ ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội sẽ cử một ban chuyên môn soạn thảo một Huấn thị Mục vụ chi tiết.

Chính Uỷ ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội này - cũng là kết quả từ các nghị quyết và đề nghị của Công Đồng, và là một cơ quan thường trực về truyền thông (IM 19) - đã soạn Huấn thị Communio et Progressio. Huấn thị Communio et Progressio được xuất bản năm 1971. Văn kiện này gồm 187 đoạn và được viết dựa trên các nguyên tắc của Sắc lệnh Công đồng Vatican II. Huấn thị này được coi là một trong số các văn kiện hay nhất của Hội Thánh về Truyền thông Xã hội từ trước tới nay.

Khoảng 20 năm sau khi Huấn thị này ra đời, một Huấn thị Mục vụ thứ hai là Aetatis Novae được xuất bản năm 1992 để kỷ niệm, bổ túc và tiếp nối Huấn thị 1971. Điều này cũng được ghi rõ trong phụ đề của Huấn thị là được ban hành “nhân kỷ niệm năm thứ 20 Huấn thị Communio et Progressio”.

Theo sau việc đưa vào hằng năm Ngày Thế giới Truyền thông xã hội qua Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II (số 18), kể từ đó các Đức Giáo Hoàng hằng năm đều gửi một sứ điệp cho ngày ấy với một chủ đề đặc biệt. Sưu tập các thông điệp này là một kho tàng được thêm vào cho các giáo huấn của Hội Thánh về Truyền thông Xã hội, đặc biệt trong khía cạnh mục vụ của nó (xem thêm ở Phần II, 4.3.6).

Ngoài hai văn kiện chính thức này của Huấn Quyền và của Công đồng Vatican II, còn có các tài liệu khác của Thánh bộ Truyền Thông (tên cũ là Uỷ ban / Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội) về các đề tài và các mối quan tâm đặc biệt. Chẳng hạn, chúng ta có một văn kiện về “Khiêu dâm và Bạo lực: Một Phản ứng Mục vụ” (1989) và một về “Các tiêu chuẩn về hợp tác đại kết và liên tôn trong Truyền thông” (1989). Cũng có các bản văn về Đạo đức trong Quảng cáo (1987), trong Truyền thông (2000) và trên Internet (2002). Còn có một văn kiện về “Hội Thánh và Internet” (2002). Tất cả các văn kiện này phản ánh một mối quan tâm mục vụ sâu xa và rất có ích trong các vấn đề mà các tựa đề nói lên.

Các cơ quan khác tại Toà Thánh cũng như các Hội đồng Giám mục, Liên Hội đồng các Giám mục Châu Á (FABC), và từng giám mục một cũng thỉnh thoảng công bố các văn kiện và các suy tư có thể nâng đỡ và soi sáng cho việc truyền thông mục vụ và truyền giáo và một phần đặt chúng trên cấp địa phương.

Để tham khảo bản văn đầy đủ của các văn kiện, xem: Franz-Josef Eilers (Chủ biên): Church and Social Communication. Basic Documents, 2nd Edition, (Logos/Divine Word) 1997, và: Supplement I, Basic Documents 1998-2002, Manila 2002.

 

Franz-Josef Eilers, svd, Communicating in Ministry and Mission, 3rd Edition, p. 85-87

---------------------------------------------------------

Nguồn tài liệu: https://caulacbo-anhsangdiuem.blogspot.com/2020/09/cac-van-kien-ve-truyen-thong-cua-hoi.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LINH ĐẠO TRUYỀN THÔNG

MỤC VỤ ĐƯA TIN- TIN NGẮN